Bê tông bị nứt bề mặt, nứt kết cấu, bê tông đổi màu, chậm đống rắn,... là những sự cố thường gặp đối với bất kì ai kể cả những thợ thi công giàu kinh nghiệm nhất. Để tránh những sự cố này xảy ra, thợ thi công cần nắm vững nguyên nhân và cách khắc phục vấn đề. Bài viết dưới đây, RCE sẽ giúp bạn phòng ngừa và sửa chữa những hư hỏng bê tông trên.

1. Bê tông bị nứt bề mặt

Các vết nứt nhỏ xuất hiện trên bề mặt bê tông sau khi đổ vài giờ do bề mặt bê tông khô nhanh, gây co ngót. Trong trường hợp bê tông trát tường, nếu vết nứt không phải nứt kết cấu hoặc không quá rộng, không rò rỉ nước thì có thể chấp nhận được.

Bề mặt bê tông bị nứt nẻ gây mất thẩm mỹ

Cách phòng ngừa:

  • Hoàn thiện và bảo dưỡng bê tông đúng cách (che phủ, tưới nước,…)
  • Sử dụng bê tông có độ sụt vừa phải, không tách lớp
  • Không hoàn thiện bê tông cho tới khi nước đã bay hơi hết
  • Không phủ bụi xi măng khô trên bề mặt bê tông khi có nước
  • Không tưới nước lên bê tông khi đang hoàn thiện
  • Nếu nhiệt độ cao, phun một ít nước lên lớp nền để tránh hấp thụ nước từ hỗn hợp bê tông

Sửa chữa khi bê tông bị nứt nẻ: Việc sửa chữa có thể không cần thiết do co dẻo chỉ xảy ra trên bề mặt, không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng bê tông. Có thể dùng một lớp vừa phủ bề mặt để đảm bảo tính thẩm mỹ. Sau đó bôi một lớp keo dán chuyên dụng sẽ giúp hạn chế bê tông tái nứt vỡ.

2. Bê tông bị nứt kết cấu

Bê tông nứt vỡ kết cấu, suy giảm chất lượng bê tông

Cách phòng ngừa:

  • Loại bỏ các lớp đất mặt yếu, và các vật liệu hữu cơ trong lớp móng
  • Lèn chặt tất các đất rời bên dưới tấm bê tông
  • Làm dốc lớp nền để thoát nước
  • Thiết kế mặt đường bê tông linh hoạt để có thể chịu tải trọng lớn
  • Lắp đặt các mối nối bê tông phù hợp bằng cách cưa, tạo hình hoặc tạo rãnh
  • Tránh điều kiện làm khô nhanh hoặc sử dụng phụ gia làm chậm
  • Giảm thiểu hàm lượng nước trộn sẵn

3. Bê tông đổi màu

Bê tông sau khi đóng rắn thường phải có một màu nếu người thi công sử dụng đúng lô và vật liệu từ hỗn hợp trộn sẵn. Tuy nhiên, bê tông có thể bị biến màu nếu có những thay đổi đột ngột với vật liệu xi măng, hoặc quá trình hoàn thiện gấp rút, canxi clorua được thêm vào.

Cách phòng ngừa:

  • Chỉ sử dụng 1 loại bê tông khi đổ, đầm và hoàn thiện
  • Giữ cho bê tông đều ẩm
  • Không sử dụng xi măng làm khô bề mặt. Sử dụng vật liệu sạch
  • Chờ đến khi nước bay hơi hết mới hoàn thiện bê tông
  • Tránh trát mạnh lên bề mặt bê tông

Sửa chữa khi bê tông biến màu:

Nhiều trường hợp biến màu xuất phát từ tay nghề của thợ thi công. Có thể khắc phục bê tông bị biến màu bằng cách rửa với axit yếu hay phủ một lớp vữa lên bề mặt. Điều quan trọng là cần phải giải quyết hư hỏng ngay lập tức để ngăn chặn sự đổi màu lan ra toàn bộ tấm bê tông. Bê tông bị đổi màu thường được chà bằng bàn chải cứng nhúng trong dung dịch giấm pha loãng để khôi phục bề ngoài. Đối với các trường hợp đổi màu nghiêm trọng, cần đến những hóa chất mạnh hơn như axit clohydric hoặc diamoni xitrat. Tuy nhiên nếu không áp dụng đúng cách, vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy tốt hơn hết nên tham khảo ý kiến chuyên gia về bê tông trước khi sử dụng.

4. Bê tông chậm đóng rắn, cường độ thấp

Bê tông tuy đã đổ sau 1-2 ngày nhưng cường độ vẫn yếu, có thể chỉ tại một vài khoảng nhỏ. Nguyên nhân có thể do:

  • Vị trí bê tông yếu bị lẫn nhiều nước
  • Đầm không đủ hoặc quá kĩ gây phân tầng bê tông
  • Cát quá mịn hoặc vật liệu lẫn nhiều tạp chất
  • Vị trí bê tông yếu bị lẫn nhiều mẻ bê tông khác nhau
  • Bê tông bị mất nước do bảo dưỡng không tốt
  • Dùng phụ gia hóa học quá định mức
  • Nhiệt độ môi trường quá thấp

Cách phòng ngừa:

  • Lựa chọn vật liệu sạch: cát, đá, nước không bị lẫn tạp chất
  • Lưu ý công tác trộn, đầm, đổ, hoàn thiện và bảo dưỡng bê tông đúng cách
  • Thực hiện che phủ và dưỡng ẩm bê tông trong 1 tuần
  • Đọc kĩ hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng phụ gia hóa học

5. Bê tông bị “nở hoa”

Sau một thời gian ngắn, trên bề mặt bê tông xuất hiện những lớp tinh thể màu trắng. Nguyên nhân là do muối khoáng được hòa tan trong nước. Nếu nước với muối hòa tan tích tụ lại trên bề mặt bê tông và bay hơi sẽ đọng lại muối trên bề mặt. Tách nước nhiều cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Cách phòng ngừa: Sử dụng nước sạch, không có muối hòa tan, và cát được rửa. Tránh tình trạng tách nước nhiều.

Sửa chữa bê tông: Sử dụng bàn chải và nước sạch để rửa. Không sử dụng bàn chải sắt. Có thể dùng axit clohydric loãng để rửa.

Trên đây là 5 sự cố bê tông thường gặp trong quá trình đổ và thi công. Tốt nhất khi gặp những trường hợp này, thợ thi công nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để đảm bảo chất lượng bê tông đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn chất lượng.